ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới

11/ 11/ 2021

Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT cam kết đồng hành và hướng dẫn doanh nghiệp duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ X với chủ đề Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249) với sự tham dự của hơn 300 điểm cầu. Ảnh: Nongnghiep.vn

Ngày 6/11,Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970 phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Văn phòng SPS Việt Nam… tổ chức Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249).

Những năm vừa qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học.

Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan này sẽ đánh giá hồ sơ doanh nghiệp, trước khi tổ chức kiểm tra online. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vướng mắc.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Báo Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị của Bộ NN-PTNT trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc.

Một trong những nội dung chính của việc hợp tác từ giờ đến cuối năm 2021, sẽ là kết hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình nông nghiệp tốt. Trên cơ sở tiêu chuẩn AseanGAP, các doanh nghiệp sẽ phát triển và xây dựng vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng những tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ liên kết với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249, để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm lớn nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông.

“Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định, và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249”, ông Hòa nhấn mạnh

Ông Hòa cũng nêu thực tế, rằng các doanh nghiệp lớn, hoặc FDI thường “chuẩn hóa” tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, không riêng gì việc thích ứng với Lệnh 248, 249, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường các nước xuất khẩu.

Sau khi hướng dẫn các quy định, thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Hòa hứa sẽ phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin cụ thể về từng thị trường riêng lẻ, như EU, CPTPP, hay Đông Bắc Á, tránh những vướng mắc không đáng có về hàng rào kỹ thuật.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói thêm, rằng phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu. Công tác đào tạo, phối hợp với các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng cũng phải đẩy mạnh", ông Đạt nhấn mạnh.

Đến nay, Cục BVTV đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Do trái cây tươi, nông sản vẫn là sản phẩm chủ yếu xuất sang Trung Quốc, công tác kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ bề bộn từ giờ đến cuối năm 2021. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị chưa thể hoàn thiện được hồ sơ dù thời gian đăng ký không còn nhiều.

Giải pháp Cục Bảo vệ thực vật đưa ra, là xây dựng đội ngũ giảng viên ToT, sau đó tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, địa phương. Tiếp đó, các cơ quan quản lý sẽ làm việc với quốc gia xuất khẩu để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn.

Nguồn: Nongnghiep.vn