ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thiết lập thị trường nông sản - thực phẩm ổn định cho khu vực ASEAN

06/ 11/ 2018

Với tổng dân số trên 630 triệu người, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nên kinh tế lớn thứ 4 của thế giới vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dự kiến sẽ tiếp tục cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới trong thập kỷ tới. ASEAN được dự báo sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa vào thị trường thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, với các nguồn lực hiện đã được khai thác ở mức cao, tác động của biến đổi khi hậu ngày càng trở nên rõ nét, việc duy trì sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khu vực ASEAN sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, chính phủ các nước hiện đang hết sức quan tâm tới vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm

Trong 2 ngày 05 và 06/11/2018, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức thành công Hội thảo khu vực ASEAN: Thiết lập thị trường nông sản, thực phẩm ổn định cho khu vực ASEAN. Hội thảo có sự tham dự của gần 60 đại diện đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và cộng đồng thành viên các nước OECD, chuyên gia nông nghiệp Ban thư ký OECD và nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng các chuyên gia nghiên cứu trong ngành. Sự kiện mang lại cơ hội cho các quốc gia ASEAN đánh giá và nâng cao năng lực hoàn thiện chính sách và thương mại nông nghiệp thông qua nhiều phân tích mang tính định hướng, với nhiều lựa chọn chính sách giúp giải quyết các vấn đề mới nổi về chính sách nông nghiệp, trong đó tập trung vào những nhu cầu thực tiễn của bản thân các nhà hoạch định chính sách.

Các phiên thảo luận xoay quanh nhiều vấn đề nổi cộm của khu vực ASEAN như (i) việc thiết lập hệ thống an toàn thực phẩm khu vực; (ii) đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong toàn khu vực, với nhiều phân tích chuyên sâu về canh tác lúa gạo và thủy sản bền vững; (iii) công nghệ điện tử trong nông nghiệp; và (iv) tận dụng lợi ích từ các chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm toàn cầu (GVCs).

Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn giúp trao đổi và chia sẻ kiến thức và các thực hành tốt nhất trong nước cũng như quốc tế trong việc xây dựng chính sách về an toàn lương thực, thực phẩm. Hội thảo cũng trao đổi và chia sẻ thẳng thắn về những kết quả phân tích do Ban thư ký OECD thực hiện gần đây về các vấn đề liên quan tới an ninh lương thực, thực phẩm và chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Bà Jodie McAlister, Bộ Nông nghiệp Úc chia sẻ “vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm không thể được giải quyết bởi một giải pháp đơn lẻ nào, mỗi quốc gia sẽ phải đưa ra một quyết định riêng dựa trên các phân tích và dữ liệu thực tiễn, nhưng bằng các hợp tác cùng nhau, các quốc gia có thể hoạch định các khung pháp lý có lợi nhất cho tất cả các bên”.