ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Quản lý hóa chất nâng cao năng lực xuất khẩu cho nông sản Việt

27/ 11/ 2018

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự và phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc hội thảo

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp &PTNT, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng mạnh và khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Hiện, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ một tỷ USD/năm trở lên, riêng năm mặt hàng gồm tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch ba tỷ USD/năm.

Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế, nông sản Việt Nam vẫn đang hằng ngày đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối cho phép nhập khẩu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.

Theo các chuyên gia, phần lớn các lô hàng bị trả về do các vi phạm liên quan đến vượt ngưỡng hàm lượng tồn dư tối đa thuốc BVTV trong nông sản, thực phẩm (MRL). Trong đó, MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (CXL) hoặc Cơ quan quản lý tại quốc gia (MRL) quy định.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Bảo vệ Thực vật nhận định: Nông sản Việt Nam xuất khẩu đang phải chịu hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm địch động thực vật. Đối với an toàn thực phẩm, hóa chất rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Hầu hết các nước đều phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhưng nếu đáp ứng được quy định về mức dư lượng tối đa cho phép thì vẫn bảo đảm xuất khẩu.

"Giải pháp là sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và theo chuỗi, người sản xuất phải hiểu được các quy định của các nước nhập khẩu nông sản và người tiêu dùng. Tổ chức sản xuất là khâu quan trọng nhất, vì vậy cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi", ông Hồng nói.

Một xu hướng chung hiện này là trong khi các hàng rào thuế quan đang dần được bãi bỏ thì nhiều nước tăng cường lập hàng rào kỹ thuật, trong đó có các yêu cầu về ngưỡng tồn dư tối đa (MRL) đối với nông sản xuất khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Những yêu cầu này nếu không được hiểu và chấp hành đúng sẽ là cản trở lớn cho nông sản Việt ra thị trường quốc tế.

Mong muốn đưa các giải pháp khoa học công nghệ cao tới nông dân kịp thời, ông Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành Crop Life Asia cho biết, thông qua tập huấn, Crop Life đã và đang giúp nông dân ngay từ trong sản xuất đi theo đúng các quy chuẩn để họ vừa tăng sản lượng vừa đáp ứng đủ yêu cầu, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay, Crop Life đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả ở một số tỉnh thành trọng điểm. Không chỉ chú trọng vào các cây trồng chính như cao su, cà phê, hồ tiêu… ông Siang Hee Tan hi vọng những giải pháp đó có thể hiện thực hóa trên các cây trồng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một quy chuẩn hành lang pháp lý riêng cho Việt Nam để làm thế nào đạt được các chỉ số quan trọng của các thị trường xuất khẩu chính mà Việt Nam hướng tới.