ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN

11/ 09/ 2018

Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ngày 11/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông lâm thuỷ sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Phó Thủ tướng khẳng định, tại Việt Nam, mô hình đối tác công - tư là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách.

Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.   

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản  trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Từ đó để xây dựng ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, chủ đề của Diễn đàn tăng trưởng Châu Á hôm nay là "Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng". Do đó, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghệ 4.0 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu tham dự Diễn đàn sáng 11/9

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nhân đã cùng nhau chia sẻ cách thức đổi mới trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh. Qua đó, nhằm phát huy lợi thế của nông nghiệp trong vùng, cải thiện đời sống của người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu./.