ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Mekong Connect 2020, đưa sản phẩm dịch vụ vào chuỗi giá trị toàn cầu

21/ 12/ 2020

Ngày 21/12, tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN hàng VNCLC) tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2020 lần thứ V, với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Tham dự có các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Bộ KHCN, Bộ NN-PTNT cùng với 700 chủ Doanh nghiệp, giám đốc các HTX, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu…muốn phát triển thị trường sản phẩm nông sản.

Diễn đàn kinh tế Mekong Connect là mô hình liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp (ABCD Mekong) và sự gắn bó mật thiết của Hội DN hàng VNCLC, cùng Câu lạc bộ DN dẫn đầu với một mục tiêu là "Liên kết cùng phát triển".
Khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh: Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế 4 tỉnh còn là một điểm sáng trong thực hiện liên kết để phát triển nhanh và bền vững trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Diễn đàn có 4 chủ đề chính: Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP, Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL, Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Đây là các nhóm chủ đề lớn, mang tính cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế, hướng đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lợi thế quốc gia khống chế tốt dịch Covid-19 để đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham dự Diễn đàn Mekong Connect 2020. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Hiệp định EVFTA cùng những hiệp định thương mại khác sẽ tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chủ nhiệm mạng lưới ABCD Mekong, cho biết: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta năm 2020 đạt 44 tỷ USD. Ở Trung Quốc chỉ riêng sản phẩm nấm đạt 17 tỷ USD. Như thế các sản phẩm nấm, cà phê, mía đường, trái cây… và nhiều mặt hàng nông sản khác của nước ta cần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm gia tăng giá trị. Các DN dẫn đầu tham gia Mekong Connect có thể cùng liên kết, cùng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tạo thêm nhiều sản phẩm chế biến từ nông nghiệp có giá trị cao.

“Trong sản xuất nông nghiệp làm thế nào phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, không lạm dụng hóa chất phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất ngày càng nhiều nông sản sạch. Trước những thách thức biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120. Hy vọng với chương trình hành động trong 10 năm tới cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện tốt hơn. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản kết nối chuỗi giá trị toàn cầu…”, ông Hoan khẳng định.

Cơ hội và thách thức

Tại diễn đàn, đại diện các DN và HTX nông nghiệp quan tâm nhiều đến chủ đề chính xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai.

Tuy thuế quan giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật gia tăng. Thương mại song phương Việt Nam – EU đã có bước tiến triển lớn trong thập niên qua. Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỷ euro trong năm 2019, so với con số 10 tỷ euro trong năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ước tính Ngân hàng Thế giới (WB), thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.

Các diễn giả tham luận Mekong Connect 2020, cho rằng khi một hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của ĐBSCL muốn vào thị trường EU.

Bà Bùi Kim Thùy từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nói: “Kiểm dịch động thực vật, thuế chống phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho các mức thuế hạ của FTA”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, nói: Thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân của các nước EU phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững.

Lễ ký kết phối hợp 4 tỉnh, thành phố ABCD Mekong. - Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Cũng tại Diễn đàn Mekong Connect 2020, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho 16 doanh nghiệp ở 2 lĩnh vực là thực phẩm và phi thực phẩm.

(Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)