ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Luật Chăn nuôi là hành lang pháp lý quan trọng trong xuất nhập khẩu

15/ 05/ 2020

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh “Với việc ban hành Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, chúng ta đã “hợp long” được mọi khía cạnh của ngành chăn nuôi, làm nên tảng để phát triển bền vững. Chúng ta hy vọng, 5 đến 10 năm tới chăn nuôi sẽ có được một vị trí to lớn trong kim ngạch xuất khẩu”. Luật Chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) chủ trì hội nghị phổ biến Luật Chăn nuôi ngày 14/5/2020

 

Tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi đã công bố phụ lục biểu mức, căn cứ thu phí trong chăn nuôi. Trong đó, mức phí cao nhất là phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (trường hợp phải đánh giá điều kiện thực tế) với 7 triệu đồng/cơ sở/lần nếu do Cục Chăn nuôi cấp và 5 triệu đồng/cơ sở/lần nếu Sở Nông nghiệp &PTNT cấp. Căn cứ để thu phí là Điều 32, Luật Chăn nuôi, Điều 10 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP. Mức thu phí thấp nhất là thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu lần đầu đực giống, tinh, phôi giống gia súc với chi phí 200.000 đồng/1 giống/lần. Căn cứ thu được quy định tại Khoản 4, Điều 20, Luật Chăn nuôi, Điều 15 Thông tư số 22.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT còn thu một số loại phí như phí thẩm định nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, mẫu phân tích sản xuất gia công nhằm mục đích xuất khẩu là 400.000 đồng/sản phẩm/mục đích/lần; thẩm định cấp giấy phép trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm để phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo dòng, giống vật nuôi mới và sản xuất, kinh doanh là 800.000 đồng/1 nguồn gen.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, trước đây khi chưa có Luật Chăn nuôi, ngành chăn nuôi tồn tại rất nhiều bất cập, thiếu chế tài quản lý và xử lý, do đó ngoài các quy định về biểu phí, Hội nghị sẽ cùng thảo luận, thống nhất nhiều nội dung cực kỳ quan trọng của ngành như thống kê, phúc lợi động vật, tiếng ồn, mùi trong chăn nuôi….ông Dương đề nghị các đơn vị cần tìm hiểu thật kỹ để việc thực thi Luật Chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.