ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hội nghị toàn thể ISG 2017: “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản”

11/ 12/ 2017

Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) tổ chức Hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề:  “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản” ngày 11/12/2017. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì hội nghị. Hơn 200 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, tập đoàn đa quốc gia và các cơ quan, ban ngành Chính phủ, Viện nghiên cứu, Trường đại học, các chuyên gia nông nghiệp trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông tham dự.

ISG Plenary Meeting 2017 1
Đồng chủ trì hội nghị toàn thể ISG 2017

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế không chỉ về nguồn lực, mà còn về tiến bộ kỹ thuật, những khuyến nghị, mô hình, kinh nghiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam phải nhìn nhận rằng giai đoạn vừa qua là giai đoạn phát triển về bề rộng, tận dụng lao động với giá rẻ là chính. Nút thắt lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là sản lượng rất cao nhưng năng suất, chất lượng thấp, tham gia thị trường thế giới về nông sản nhưng hầu hết dưới dạng sản phẩm thô. Đây là những điểm nghẽn cần tháo gỡ của ngành nông nghiệp Việt Nam.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu có hàm lượng công nghệ thấp, không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản thô trong tương lai. Chỉ số về lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Trong khâu sản xuất, ngoài những hạn chế về qui mô sản xuất manh mún, ngành nông nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế… Vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại (trong khi mức trung bình các nước ASEAN là 50%).

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, hồ tiêu, thủy sản, điển hình như hoa quả…Ông Ousmane Dione cho biết: “Ngân hàng thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là 1 giải pháp mà cần có cả giải pháp tổng thể. Cộng đồng quốc tế có nhiều kinh nghiệm, những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư công nhiều hơn cho an toàn thực phẩm”.

Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Chính phủ Hà Lan đã thiết lập Thoả thuận Quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Việt Nam. Hà Lan cũng có một Đối tác Chiến lược tương tự về nước và biến đổi khí hậu. Hà Lan muốn kết hợp sức mạnh của Chính phủ, khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự với nhau thông qua một cách tiếp cận rất thận trọng được gọi là "chính sách khu vực đầu tiên". Chính phủ Hà Lan, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong việc đánh giá và giải quyết các rủi ro về an toàn thực phẩm. Việc hợp tác mở rộng về phát triển an toàn thực phẩm giữa ba đối tác này đã được công bố vào ngày 10 tháng 7 năm nay nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sang Hà Lan. Ngài Rutte, Thủ tướng Chính phủ của Hà Lan đã cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đã ký một Biên bản ghi nhớ ba bên. Biên bản ghi nhớ này sẽ tập trung vào việc hợp tác để cải tiến hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia và địa phương, với việc xây dựng các ‘Phòng Thí nghiệm Tham chiếu Quốc gia’.

TS JongHa Bae - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho hay, FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh (GGS) và giải quyết các vấn đề về Giảm nhẹ Biến đổi Khí hậu (CCM), đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn Mới với mục tiêu đến năm 2020 thu nhập nông thôn cao hơn 1,5 lần so với năm 2015.

Trong phiên thảo luận, các ý kiến tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam cần tập trung giải quyết từ sự bất cập giữa chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu hiện đại với thể chế lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện tại; cần thay đổi cách tiếp cận, không chỉ hỗ trợ nông dân, kết nối thị trường mà còn hỗ trợ cả hệ thống điều hành của cả bộ máy; phải chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị nông sản. Sáng kiến của một số tổ chức quốc tế tạo động lực thu hút mọi người tham gia vào chuỗi giá trị bền vững. Cam kết hỗ trợ từ các đối tác quốc tế như Canada, Hà Lan, các WB, ADB, FAO…đều khẳng định phải thúc đẩy nâng cao tính cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam thông qua nhiều chương trình, dự án trong giai đoạn 2017-2021 tới đây.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Cần tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững”. Bộ trưởng nhấn mạnh, “không còn cách nào khác là nông sản Việt Nam phải nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Bộ trưởng yêu cầu ISG phát huy vai trò điều phối quốc tế để huy động sức mạnh tổng hợp của các đối tác quốc tế, tránh chồng chéo, lãng phí và nhất là không còn “khoảng trống” ở những khu vực cần đầu tư phát triển. Ngành nông nghiệp sẽ tích cực rà soát lại và tham mưu cho Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách…để phát huy toàn bộ nguồn lực xã hội trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Thông qua Hội nghị toàn thể ISG 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cám ơn các tổ chức quốc tế đã luôn đồng hành hỗ trợ ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chống chọi với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu bền vững.