ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47

12/ 11/ 2019

Hội nghị Hồ tiêu quốc tế lần thứ 47 do Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức, với sự tham dự của 400 đại biểu đến từ trong nước và 25 quốc gia là thành viên của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng để các doanh nghiệp, các nhà xuất nhập khẩu, nông dân và các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin cũng như thúc đẩy các mối quan tâm đối với việc phát triển ngành hồ tiêu trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao giấy chứng nhận cho các chủ mô hình trồng tiêu tiêu biểu

Hội nghị Hồ tiêu quốc tế lần thứ 47 diễn ra trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường và tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng chưa kiểm soát được. Thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, giá cả diễn biến khó lường. Những yếu tố trên đã và đang gây bất ổn đến sản xuất, kinh doanh của ngành hồ tiêu toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu đạt 250.000 tấn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Hồ tiêu chủ yếu được trồng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Quảng Trị và Phú Quốc; đồng thời, tạo kế sinh nhai cho hơn 200.000 nông hộ. Năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam cũng được cải tiến đáng kể, công nghệ chế biến đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Một số doanh nghiệp trong nước đã xây dựng được nhà máy chế biến công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm đa dạng như: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, nhu cầu sử dụng sản phẩm hồ tiêu trên thế giới còn rất lớn. Ngoài sử dụng hồ tiêu làm gia vị trong thực phẩm, hồ tiêu còn được sử dụng trong việc chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược. Vì vậy, cũng tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ bàn các giải pháp để thực hành, canh tác hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu sử dụng của thị trường thế giới trong hiện tại và tương lai.

Cũng tại hội nghị này, ý kiến của nhiều đại biểu thành viên của IPC cũng chia sẻ, ngành hồ tiêu Việt Nam không nên tăng diện tích, cần tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên diện tích có điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, thuận lợi về nguồn nước, giữ vững sản lượng. Tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo VSATTP. Đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người nông dân, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu, đảm bảo chất lượng tiêu nguyên liệu sạch cho chế biến và xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ… theo yêu cầu thị trường, đặc biệt các thị trường cao cấp có giá trị gia tăng; đẩy mạnh chương trình XTTM quốc gia để duy trì và phát triển mạnh hơn năng lực xuất khẩu…

Chương trình Hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 12 đến 14/11, tập trung vào các nội dung Hội nghị các nhà xuất khẩu; Hội nghị về kỹ thuật; Hội nghị các nhà xuất, nhập khẩu; triển lãm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực hồ tiêu; đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu quốc tế tham quan khảo sát thực tế các mô hình trồng tiêu tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...