ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP

20/ 03/ 2018

Để tháo gỡ vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH- ĐT) chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

toan-canh-vcci

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư đã được các Thành viên Chính phủ cho ý kiến; đa số ý kiến tán thành với phương án đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ cần bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của luật, vì vậy một số nội dung cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp như: việc chỉ định nhà đầu tư; thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến triển khai PPP bị hạn chế đó là cách nhìn mang nặng tính đầu tư công trong việc quản lý đầu tư. Cũng chính từ việc nhìn nhận dự án PPP từ góc độ đầu tư công nên dẫn tới thực tế là các thủ tục đầu tư rườm rà và đặc biệt là tâm lý e ngại trong thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ đối với hình thức đầu tư còn tương đối mới mẻ này ở Việt Nam.

Vì vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi hi vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như tạo ra khung pháp lý chặt chẽ hơn cho mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP).

Bên cạnh đó, Dự thảo lần này cũng sẽ quy định chặt chẽ hơn về việc lựa chọn nhà đầu tư. Về quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Ban soạn thảo cũng đưa ra hai trường hợp: Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng các tiêu chí sơ bộ, sẽ thực hiện theo quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư. Trong trường hợp có 2 nhà đầu tư sẽ thực hiện quy trình đấu thầu với tiêu chuẩn đánh giá không nghiêng về hướng khai thác địa tô cao nhất từ đất mà hướng tới các ràng buộc về thực hiện dự án hiệu quả nhất.

Dự thảo yêu cầu nhà đầu tư triển khai dự án PPP phải có năng lực tài chính - thương mại, khả năng thu xếp vốn và năng lực triển khai thực hiện dự án; kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

Sở dĩ đưa ra quy định này, theo Bộ KH-ĐT, là để ràng buộc trách nhiệm tham gia của các nhà đầu tư cũng như yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu trong liên danh nhằm hạn chế một dự án PPP có nhiều nhà đầu tư tham gia chỉ để “ghi tên” nhưng thực tế không rõ ràng về nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dự án.