ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hỗ trợ phát triển ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả

19/ 11/ 2018

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị Dự án phát triển bền vững ngành hàng điều, hồ tiêu, cây ăn quả tại Việt Nam (CPFP) do Ngânh hàng Thế giới tài trợ với đơn vị chủ quản là Bộ NN&PTNT.

Ảnh: Điều, hồ tiêu, cây ăn quả là 3 ngành hàng được Bộ NN&PTNT đề xuất tham gia dự án

Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2021 đến 2026. Với địa điểm thực hiện dự án dự kiến tại: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tầu, Đắk Lắk, Gia Lai (đối với ngành hàng điều, hồ tiêu) và Tiền Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Sơn La (đối với ngành hàng cây ăn quả trong đó tập trung vào cam, bưởi và xoài).
Mục tiêu tổng quát của dự án: Nhằm phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng điều, hồ tiêu, cây ăn quả theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao ở một số tỉnh tại Việt Nam. Cụ thể:

Mục tiêu kinh tế:

  • Đối với Hợp phần Điều: 300 ngàn ha sản xuất điều của 318 ngàn hộ nông dân sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%.
  • Đối với hợp phần hồ tiêu: 100 ngàn ha hồ tiêu của khoảng 150 ngàn hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 20%.
  • Đối với hợp phần cây ăn quả: 170 ngàn ha cây ăn quả của 600 ngàn hộ nông dân, tại các tỉnh tham gia dự án, canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 20%.

Mục tiêu xã hội:

Khoảng 318 ngàn hộ nông dân trồng điều, 150 ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu và 600 ngàn hộ nông dân trồng cây ăn quả ở các tỉnh dự án tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thông minh, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ  sản phẩm với doanh nghiệp, và tăng thu nhập khoảng 20- 30%.
Mục tiêu về môi trường:

Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác điều, hồ tiêu và cây ăn quả.

Mục tiêu tăng cường năng lực thể chế:

  • Tăng cường năng lực, thể chế ở Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tỉnh tham gia dự án, nâng cao năng lực quản lý chất lượng và giá trị sản phẩm ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
  • Tăng cường nhận thức cho doanh nghiêp, HTX, THT, nông dân về phát triển nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu.

Đây là dự án có tính quan trọng và đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ Ngành, các địa phương, nông dân, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và Ngân hàng Thế giới. Dự án được hình thành và triển khai thực hiện sẽ góp phần tăng trưởng bền vững ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả; tăng thu nhập và việc làm trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó dự án cũng góp phần giảm thiểu tác động môi trường đặc biệt là giảm khí thải nhà kính và thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện dự án sẽ thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập với nông nghiệp trong khu vực và Thế giới, nâng cao khả năng cạnh tranh điều, hồ tiêu, cây ăn quả xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế.